Tại sao nên đi du học Đức ? |
Du học Đức vẫn còn là cụm từ khá xa lạ ở Việt Nam nhưng trên Thế Giới Du học Đức được khá nhiều sinh viên lựa chọn, lại có nhiều lợi thế hấp dẫn. Nếu các bạn đang phân vân chưa biết nên lựa chọn nước nào để đi Du học, thì hãy tham khảo thử xem nhé!
Nước Đức thuộc top 3 những nước yêu thích nhất được các sinh viên quốc tế chọn làm điểm đến khi du học. Theo học tại các trường đại học Đức có đến hơn 12% sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn không khuyên bạn đến du học tại Đức vì những lý do sau đây:
1. Đức có gần 450 trường đại học với khoảng 17.500 chuyên ngành đào tạo.
Bạn sẽ ong hết cả thủ khi có quá nhiều cơ hội lựa chọn trường học và ngành học cho mình, rõ là mệt. Chất lượng đào tạo cũng như bằng cấp của Đức lại được khắp nơi trên thế giới công nhận, rõ là phiền (tôi sẽ giải thích tại sao). Đã thế sau khi tốt nghiệp đại học bạn lại được phép gia hạn lưu trú một năm rưỡi để tìm việc làm. Nước Đức đang khan hiếm nguồn nhân lực nên khả năng bạn xin được việc là rất cao, nhất là những ngành kĩ thuật.
Một khi đã tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo thì thu nhập của bạn lại đủ mức để Sở ngoại kiều cho bạn quyền cư trú dài hạn. Và như thế, “hành trình chống lại sự cám dỗ” bắt đầu. Bạn sẽ dễ có nguy cơ trở thành “Việt kiều” bất đắc dĩ và không còn muốn về nước cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc. Như vậy sẽ thiệt thòi cho Tổ quốc xiết bao. Rồi bố mẹ bạn cũng sẽ buồn vì phải xa bạn. Sẽ tốt và đơn giản hơn rất nhiều nếu bạn tốt nghiệp đại học ở một nước mà bằng cấp chẳng nơi nào dưới ánh mặt trời này công nhận có phải là bạn đã không phải đau đầu đấu tranh về hay ở, chẳng phải loay hoay trong đầu với mỹ từ “về nước để cống hiến”.
2. Chất lượng giáo dục bậc Đại học được đánh giá cao:
Với chất lượng đào tạo thuộc Top hàng đầu và bằng cấp được công nhận trên toàn Thế Giới. Đức là một trong những điểm đến được ưa chuộng nhất. Đức đứng thứ ba trên Thế Giới về số lượng du học sinh Quốc tế theo học mỗi năm, chỉ sau Mỹ và Anh (USA 24,4%; Anh 16,5%; Đức 12,2%; Pháp 5,8%; Áo 3,4%)
Đức thuộc nhóm dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sinh viên kết thúc thành công khóa học: 77%
3. Du học Đức hầu hết miễn phí hoặc nơi nào thu học phí thì cũng chỉ mang tính chất tượng trưng, chỉ vài trăm euro một học kì.
Không những thế, chi phí sinh hoạt tại Đức lại rất phải chăng, tiền nhà (nếu bạn sống trong kí túc xá) và bảo hiểm y tế (dành cho sinh viên) lại được chính phủ Đức hỗ trợ nên giá rất rẻ. Sở ngoại kiều yêu cầu trong tài khoản mỗi năm 8040 Euro nhưng trên thực tế mỗi tháng bạn chỉ cần nhiều nhất 500 Euro là cuộc sống và sinh hoạt đã vô cùng thoải mái (nhiều bạn tất tật các khoản chỉ xài hết có 400 euro/ tháng thôi đấy). Đồ ăn thức uống đa phần còn rẻ hơn Việt Nam (đã thế bạn lại không còn phải lo lắng gì về vệ sinh an toàn thực phẩm). Chẳng hạn, một con gà để nấu phở (Suppenhuhn) nặng gần cân rưỡi giá nhiều nhất chỉ khoảng 2 Euro, vị chi 50.000 VNĐ, thừa thãi một nồi phở cho 4, 5 sinh viên xì xụp ngon lành.
Và như thế là số tiền vài tỷ bố mẹ bạn dành dụm để đầu tư cho hành trình du học của bạn lại không có cơ hội được dùng đến. Mà tiền để lâu thì cũng dễ bị …. mủn. Để ở nhà thì lo trộm, gửi ngân hàng tiền Việt thì lo mất giá, gửi $ hay Euro thì tuyệt không có lãi. Thêm nữa, tiền một khi không được dùng đến mấy nữa cũng làm giảm động lực kiếm tiền của bố mẹ bạn. Không bị áp lực phải kiếm tỷ nhớn tỷ bé chi trả chi phí du học cho bạn nữa, khéo cái sự nhàn quá lại làm cho cuộc sống của bố mẹ thành tẻ nhạt. Mà nhàn quá cũng dễ làm con người ta mệt mỏi, he he…. (tôi không nói là “nhàn cư vi bất thiện” nhé).
4. Ngành học đa dạng, hệ thống trường phong phú:
Ở Đức có 370 trường Đại học trải đều khắp nước Đức, trong đó bao gồm các trường Đại học Tổng hợp, Đại học kỹ thuật Tổng hợp và các trường đại học chuyên ngành.
Gần 1/3 tổng số sinh viên hiện đang theo học ở các trường Đại học chuyên ngành và ngày càng có nhiều sinh viên lựa chọn theo học hơn. Do chương trình đào tạo định hướng và thời gian đào tạo được rút ngắn.
Sinh viên có thể chọn học một trong 12.500 ngành học khác nhau ở tất cả các bậc học: Đại học và sau Đại học. Ngành học được du học sinh lựa chọn nhiều nhất là ngành Kinh doanh, Chế tạo máy
5. Tiếng Đức
Sang Đức du học mặc dù bạn có thể đăng kí học bằng tiếng Anh nhưng để có thể hội nhập và có cơ hội việc làm sau này kiểu gì bạn cũng phải học tiếng Đức, một thứ tiếng khó nhằn (thứ tiếng xưa nay thường hay bị thiên hạ ví như thứ tiếng để nói với kẻ thù, thậm chí không ít người còn đùa rằng “chó sủa mạnh thêm tí là thành tiếng Đức”). Người sắp học nghe người mới học dọa thế. Người từ nhiều nước khác đến Đức du học, nay đã thành đạt ở Đức cũng nói thế. Thế nhưng, nếu bạn có “nhỡ” bắt tay vào học tiếng Đức thì xác suất cao là bạn dễ bị thứ tiếng ấy mê hoặc bởi sự phong phú và chặt chẽ của nó. Đã thế, trong khi tiếng Đức với bạn chỉ là tiếng …. mẹ kế thì với khoảng hơn 120 triệu người dân trên thế giới nó lại là tiếng mẹ đẻ, là một trong 10 ngôn ngữ được nói nhiều nhất trên thế giới, còn trong 7 nước châu Âu nó là ngôn ngữ chính thức của nhà nước và khu vực (tiếng Đức: 18% tiếng Anh: 13%, tiếng Italy: 13%, tiếng Pháp: 12%, tiếng Tây Ban nha: 9%, tiếng Ba Lan: 9%, tiếng Nga: 1%).
Tiếng Đức là ngoại ngữ quan trọng thứ hai ở châu Âu, chỉ riêng trong Liên minh châu Âu đã có 63 triệu người sử dụng cái thứ tiếng khó nhằn đó là ngoại ngữ. Và càng ngày lại càng có nhiều người hì hục lao vào cái thứ tiếng đó mới gay. Như thế, ngoài tiếng Anh (đã quá nhiều người biết), bạn lại “bị”/”phải” biết thêm một thứ tiếng nữa, tức bỗng dưng trước mặt bạn lại mở toang thêm một cánh cửa đưa bạn đến với một thế giới mới vô cùng hấp dẫn, dễ làm bạn mê hoặc. Nước Đức chẳng phải cái nôi của triết học, âm nhạc và văn chương đó sao (chẳng phải ngẫu nhiên mà trong Bách khoa toàn thư Encyclopedia Americana dành riêng cho 14 trang Văn học Đức, 13 trang văn học Pháp, 8 trang cho Tây Ban Nha và 6 trang cho văn học Nhật). Nước Đức còn được mệnh danh là “quốc gia của học vấn”. Khoa học công nghệ luôn là thế mạnh của quốc gia này. Và thật đáng tiếc là tiếng Đức lại là ngôn ngữ quan trọng thứ 2 trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Và trong tương lai, chỉ vì biết tiếng Đức mà bạn bỗng dưng “bị lạc bước” vào một thế giới mới, vô cùng kì diệu. Bạn sẽ bị lăn lông lốc từ những đam mê, hiểu biết này sang đến đam mê, hiểu biết khác, một cách không ngừng nghỉ. Thật là mệt quá đi.
6. Miễn học phí, chi phí ăn ở thấp nhất châu Âu
Hiện nay có 4 bang trong tống số 16 bang của Đức thực hiện việc thu học phí từ học kỳ 1, khoảng 500 Euro/ học kỳ. Còn lại 12 bang không thu học phí.
Du học sinh Đức chỉ phải trả chi phí sinh hoạt ở mức thấp nhất châu Âu, khoảng 4800 - 5400 Euro/ năm)
Du học sinh có thể làm thêm 90 ngày/ năm. Với mức lương bình quân là 7 Euro/ h. Như vậy, sinh viên có thể kiếm thêm khoảng 5040 Euro/ năm (= 90 ngày x 8h/ngày x 7 Euro/h), có nghĩa với mức thu nhập này sinh viên đã có thể tự trang trải chi phí sinh hoạt của mình. Tại Đức việc làm thêm tương đối dễ kiếm chính vì vậy nhiều bạn du học tại Đức hầu hết có thể tự nuôi sống bản thân mình mà không cần phải xin tiền thêm từ gia đình.
7. Sang Đức du học bạn có muốn bó chân mình tại Đức cũng không xong bởi chắc chắn bạn sẽ bị mê hoặc bởi cả một châu Âu huyền ảo, cái nôi văn hóa, văn minh của loài người.
Bạn sẽ đắm chìm trong một không gian mà xưa nay bạn chỉ biết đến qua phim ảnh hay …. truyện cổ tích. Bạn sẽ phải thường xuyên thả bước chân mình dọc những con phố cổ cả ngàn năm tuổi và bên tai văng vẳng tiếng chuông ngân từ những nhà thờ cổ kính cũng trên dưới ngàn năm tuổi. Rồi những lâu đài, những thành quách, những cung điện, chứng tích của các đời vua chúa, quí tộc châu Âu cũng sẽ hớp hồn bạn. Và như thế, dù không muốn bạn cũng sẽ dễ bị nhuốm tâm hồn thi sĩ, mộng mị và bay bổng. Sang đến châu Âu rồi bạn sẽ thấy mấy cái công trình thời Pháp thuộc ở Việt Nam chẳng còn có gì đáng nói. Thậm chí đến lăng tẩm ở Huế, niềm tự hào, điểm nhấn của du lịch Việt cũng chẳng còn cổ kính trong mắt bạn nữa vì nó còn thua rất xa tuổi của hầu hết các ngôi nhà cổ ở châu Âu. Trăm năm tuổi với châu Âu mới chỉ như cái chớp mắt, có thể ví như một đứa bé vừa mới được sinh ra tháng trước.
Châu Âu nằm gọn trong lòng bàn tay bạn. Với chỉ một vài giờ bay bạn sẽ có mặt ở bất kì nơi bạn muốn, mà giá thì rẻ vô cùng (chỉ vài chục Euro) nếu bạn book sớm và book vé của các hãng hàng không giá rẻ như germanwings, air berlin, easyjet. Và thế là bạn luôn có cơ hội “đổi gió” vào những cuối tuần thư thả hoặc để nạp năng lượng trong những mùa học, mùa thi vất vả. Du lịch giá rẻ dễ như trở bàn tay thế cũng dễ làm bạn nhiễm tính ham đi, ham chơi, rồi lại ảnh hưởng tới việc học hành. Chẳng thà cứ học ở chốn khỉ ho cò gáy chẳng có gì mà xem, chẳng có gì mà chơi, hoặc cứ bước ra khỏi cửa là bị chặt chém tơi bời bạn lại càng có điều kiện để chuyên tâm cho việc học hành, sớm có được mảnh bằng mà báo cáo thành tích với cha mẹ và họ tộc.
8. Chính trị ổn định – Hội du học sinh phát triển mạnh
Đức là một trong những đất nước an toàn nhất thế giới về sự ổn định chính trị và an ninh xã hội.
Tại Đức, du học sinh đóng bảo hiểm y tế sẽ được miễn phí tất cả các dịch vụ y tế mà không phải mất thêm bất kỳ một khoản chi phí nào khác. Hệ thống bệnh viện và phòng khám tại Đức được đánh giá là hiện đại và thân thiện nhất Châu Âu
Phần lớn mỗi một thành phố tại Đức đều có Hội du học sinh Việt Nam, các bạn sinh viên tham gia được các thành viên trong hội chia sẻ và giúp đỡ. Chính vì thế Hội Sinh viên Việt Nam tại Đức được bạn bè Thế Giới công nhận là một trong những Hội sinh viên đoàn kết và tương thân tương ái nổi tiếng tại Châu Âu. Chính vì thế khi du học tại Đức bạn sẽ cảm thấy an toàn như bạn đang sống tại nhà mình vậy.
9. Tinh thần Đức
Sang Đức du học, sống, học tập và làm việc (mới chỉ là làm thêm khi đang học, bạn nhớ nhé, mỗi sinh viên một năm được làm thêm những 120 ngày cơ đấy), hít thở bầu không khí Đức kiểu gì bạn cũng sẽ chịu ảnh hưởng của văn hóa Đức, tinh thần Đức, cũng như sẽ bị lây nhiễm những đức tính “quái gở” của người Đức, đặc biệt là tính kỉ luật cao, luôn đúng giờ giấc đến từng phút, nghiêm túc trong công việc, luôn ưa thích sự minh bạch, thẳng ngay, đôi khi đến cứng nhắc, máy móc,…… Trót nhiễm mấy cái tính dở hơi đó vào người thì kiểu gì về đi làm ở môi trường Việt Nam bạn sẽ cũng sẽ dễ bị rơi vào tình trạng bị cô độc, lẻ loi, thậm chí có khi còn bị coi là dở hơi nữa đấy.
10. Một số chính sách hỗ trợ sinh viên của Chính phủ:
Các dịch vụ hỗ trợ du học sinh: Giảm tiền ăn ở các nhà ăn sinh viên, miễn phí đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng trong nội bộ của bang, miễn hoặc giảm vé vào cửa ở các khu du lịch, danh lam thắng cảnh, được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế và sức khỏe tốt nhất với mức bảo hiểm tối thiểu,vv…
Du học sinh được phép làm thêm
Có cơ hội ở lại là việc và Chính phủ tạo điều kiện cho du học sinh gia hạn Visa.
11.Kinh tế phát triển:
Nền kinh tế lớn nhất Liên Minh Châu Âu và lớn thứ 4 Thế Giới sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc
70% các phát minh khoa học bắt nguồn từ nước Đức. Đức đứng đầu châu Âu với hơn 26.500 bản quyền phát minh được đăng ký tại Cơ quan bản quyền châu Âu.
Đức thuộc số những nước có mức sống cao nhất thế giới. Theo chỉ số phát triển con người HDI của Liên hiệp quốc và tính theo tuổi thọ, tỷ lệ người biết chữ và thu nhập bình quân đầu người thì Đức là một trong những nước phát triển nhất thế giới.
12. Cơ hội du lịch nước Đức và châu Âu không biên giới.
Tại Đức tập trung hơn 600 danh lam thắng cảnh của thế giới.
Du học sinh có khả năng đi du lịch của 27 nước trong liên minh châu Âu mà không cần xin Visa vào các nước và sử dụng chung đồng Euro.
Mới liệt kê sơ sơ chỉ 12 điều ấy thôi thiết nghĩ cũng đã đủ để khuyên bạn đừng có dại gì đặt chân sang Đức du học. Đường đến nước Đức thì rộng, nhưng đường về xem ra còn gian nan lắm nhé bạn.
Theo: Bảo Ngọc